In trang

Di tích lịch sử đền thờ Bạch y công chúa

Đăng lúc : 00:00:00 10/08/2023 (GMT+7)

VỊ THẦN ĐƯỢC THỜ TẠI DI TÍCH

        Căn cứ vào các đạo sắc phong được các vua nhà Nguyễn phong cho vị thần ở làng Hạ Bồng, huyện Như Thanh thì đền thờ ở đây thờ Bạch Y Công Chúa1. Một bản sắc phong đời vua Khải Định thứ 9 (1925) phong cho thần có ghi: Sắc phong cho “Bạch Y Công Chúa tối linh tôn thần” nơi thờ phụng là chòm Hạ Bồng, châu Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá, thần có công giúp nước, yên dân, nay chính lúc trẫm mừng thọ tuổi 40 nên làm lễ lớn, ban chiếu báu thăng lên một bậc, trứ phong mỹ tự: “Trang vi dực bảo Trung Hưng thượng đẳng thần, chuẩn cho địa phương phụng thờ thần như cũ để thần bảo vệ cho nhân dân của ta”.

          Ở các bản sắc phong này chúng ta thấy được tên huý cùng với các thần hiệu với các mỹ tự “Bạch Y Công Chúa… Trang vi dực bảo Trung Hưng thượng đẳng thần”. Danh hiệu và các mỹ tự này chỉ là các từ mang tính chất công thức tán tụng chung chung, thường thấy dùng phổ biến trong các sắc phong thần thời Lê – Nguyễn. Tuy nhiên, qua các đạo sắc phong này cũng cho chúng ta một cơ sở để khẳng định vị thần ở đền Hạ Bồng là Bạch Y Công chúa. Vậy Bạch Y Công chúa là vị thần có nguồn gốc và hành trạng như thế nào đã được nhân dân ở làng Hạ Bồng thờ cúng.

          Để làm rõ vị thần Bạch Y Công chúa, ngoài tài liệu sắc phong (Ghi ở phần phụ lục) chúng tôi đã căn cứ  vào tập sách “Địa chí Tôn giáo – Lễ Hội Việt Nam” do NXB Văn hoá – Thông tin Hà Nội ấn hành năm 2004 cho biết: Bạch Y Công chúa là một biến thế của Mẫu Thượng Ngàn, cũng có nơi gọi là “Công chúa La Bình con gái của

 

Sơn Tinh và Mị Nương, cháu ngoại vua Hùng” được giao“Cai quản 81 cửa rừng của cõi Nam Giao”1. Như vậy, vị thần Bạch Y Công chúa là một cách gọi khác, một sự thể hiện khác của đạo Mẫu mà thôi. Điều này còn được thể hiện trong hoạt động thờ cúng của cộng đồng cư dân ở vùng này từ trước cách mạng tháng Tám 1945. Ở đây, việc bài trí thờ cúng (Như người gia ở vùng này kể lại) trong đền Hạ Bồng chính là thờ Tứ phủ công đồng là hệ thống sáng tạo ra vũ trụ trong đó vị chủ thần chính là Bạch Y Công chúa, một phân thể của chúa Thượng Ngàn – người cai quản ở vùng cửa rừng vùng rừng núi phía tây của huyện Nông Cống trước đây. Vì thế mà đền Hạ Bồng cũng được gọi là phủ Mẫu. Phủ là một quan niệm về vũ trụ của người Việt, bao gồm 4 không gian (Tứ phủ); không gian miền trời tượng trưng cho màu đỏ, với những vị thần chỉ giơ một ngón tay; không gian miền núi, tượng trưng là màu xanh, với những vị thần giơ hai ngón tay; không gian mặt nước, tượng trưng là màu trắng, với những vị thần giơ ba ngón tay; không gian mặt đất, tượng trưng là màu vàng, với những vị thần giơ bốn ngón tay. Tứ phủ chia ra các hệ thống ngành: Tứ Phủ công đồng là hệ thống sáng tạo vũ trụ. Công đồng có nghĩa là hội họp tất cả chư linh, tiên thánh. Tứ phủ chầu bài là hệ thống quản lý. Tứ phủ Quan hoàng là hệ thống thi hành. Tứ phủ Thánh cô, Tứ phủ Thánh cậu là hệ thống phụ tá. Dưới hệ thống ngành còn có hệ thống chi, hệ thống phái. Vị tổng chỉ huy toàn bộ hệ thống này là một vị nữ thần, được gọi là Mẫu (mẹ). Mẫu có thể là Liễu Hạnh, hay một vị thần khác. Có thể đây là một vũ trụ quan về sinh thái nhân văn trong một môi trường vật lý: đất, trời, núi, sông.

          Đền thờ vị thần Bạch Y Công chúa nay thuộc xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá được coi là nơi Chúa Thượng Ngàn cai quản. Vị nữ thần vị thần Bạch Y Công chúa vốn được hoá thân là Mẫu Thượng Ngàn. Bà vốn là con gái của Sơn Tinh và Mỵ Nương. Sơn Tinh chính là Đức thánh Tản Viên (Tản Viên hựu thánh khuông Quốc hựu Ứng vương). Sách Giao chỉ ký của Tăng Cương viết: Vương là Sơn Tinh (Thần núi) cùng với Thuỷ Tinh (Thần nước) kết bạn, ở ẩn trong động Gia Ninh, thuộc về Phong Châu.

Khi ấy, vua Hùng có một người con gái tên là Mỵ Nương, sắc đẹp tuyệt trần. Vua nước Thục sai sứ sang cầu hôn, Hùng Vương định gả. Có Quan Đại Thần là Lạc

Hầu tâu rằng: “Không nên! Họ định mượn cớ cầu hôn để ngấp nghé nước ta đó”. Hùng Vương sợ không gả con gái thì gây hiềm khích. Lạc Hầu tâu rằng: “Đại Vương trị vì một đất nước rộng, dân đông, nay kén một người có tài cao thuật lạ, cho làm rể, rồi đặt binh mai phục để đợi, thì còn lo chi!”. Hùng Vương nghe lời bèn mới không gả con cho vua Thục, rồi đi khắp trong nước kén lấy người có thuật lạ. Vương và Thuỷ Tinh đều ra ứng tuyển. Hùng Vương sai thử phép thuật hai người: Vương thì trông suốt quan được ngọc, đá, còn Thuỷ Tinh thì xuống nước, vào lửa đều được cả. Thấy hai người đều có thuật linh thông, Vua lấy làm mừng, bảo Lạc Hầu rằng: “Hai người đều đáng làm rể; nhưng ta chỉ có một người con gái, biết gả cho người nào?”. Lạc Hầu tâu: “Xin vua hẹn: Hễ ai dẫn lễ cưới đến trước thì gả”. Vua nghe lời , hẹn hai người về sửa lễ. Vương về, ngay đêm hôm ấy sủa soạn đủ thứ vàng, bạc, ngọc quý, tê, voi cùng các giống chim muông thú lạ, mỗi thứ tới hàng trăm, sớm hôm sau đem đến dâng vua. Hùng Vương mừng gả luôn nàng Mỵ Nương cho Vương đón về nghỉ ở Lôi Sơn. Đến buổi chiều, Thuỷ Tinh cũng sắm đủ các thứ trân châu, đồi mồi, san hô và các giống cá lạ, mỗi thứ tới hàng trăm. Nhưng đến nơi thì Sơn Tinh đã lấy được Mỵ Nương đem về rồi. Thuỷ Tinh nổi giận bèn đem quân đuổi theo định phá Lôi Sơn. Nhưng bấy giờ Vương đã về ở trên núi Tản. Thuỷ Tinh không làm gì được từ đó căm thù mãi, mỗi năm đến mùa thu lại dâng nước lên đánh núi Tản Viên. Dân ở vùng ấy kết gỗ thành hàng rào để làm viện trợ, giữ chân núi, Thuỷ Tinh không phạm tới được. Những dấu tích thiêng liêng của Đại Vương rất nhiều, không thể nào thuật hết ra được.

          Thần thoại về trận chiến giữa Sơn Tinh và Thuỷ Tinh vì nàng Công chúa sắc nước hương trời của Vua Hùng đã phản ánh thực tế cuộc sống cũng như ước vọng của cư dân Lạc Việt trong cuộc đấu tranh gian khổ với thiên nhiên khắc nghiệt của châu thổ Bắc Bộ. Trong buổi đầu hoang sơ, từ rừng núi xuống trung du, từ rừng sâu ra cửa sông, con người luôn luôn cảm thấy nhỏ bé, yếu đuối trước thiên nhiên nên hằng nung nấu có vị thần trị thuỷ tài trí, mạnh mẽ như thần Tản Viên phù trợ cho cuộc sống còn nhiều gian truân của mình.

          Vị thần Bạch Y Công chúa là con gái của thần núi Tản Viên và Mỵ Nương là lớp nhân vật anh hùng huyền thoại với kỳ tích dựng nước và giữ nước. Những kỳ tích ấy cũng phản ánh ước vọng và theo dòng thời gian, nâng lên thành tín ngưỡng, ngày càng sâu đậm trong tâm thức của cư dân Việt trồng lúa nước. Đấy là một hình thức tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam. Đấy cũng là “một cách nhìn từ thực tế cuộc sống cộng đồng, con người ý thức về một dạng thần linh nào đó, rồi cộng đồng ấy, con người ấy tin theo tôn thờ, lễ bái, cầu mong cho cuộc sống, gây thành một nếp sống theo niềm tin thiêng liêng ấy”1. Vì thế vị thần Bạch Y Công chúa được cộng đồng ở cư dân Hạ Bồng hư cấu tưởng tượng cho một phẩm cách anh hùng, coi giữ một vùng núi rừng rộng lớn phía tây nam Thanh Hoá trong công cuộc bảo vệ, giữ gìn vùng đất ấy.

          Vị thần Bạch Y Công chúa không những được thở ở Hạ Bồng, huyện Như Thanh mà còn được thờ ở nhiều nơi trong các huyện miền xuôi, miền núi của tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An (Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Quỳ Hợp, Tùng Dương, Quốc Phong). Vị thần này được giao cai quản 81 cửa rừng của cõi Nam Giao./.

Nguồn: Văn hóa - Xã hội