Chào mừng các bạn đến với Trang tin điện tử xã Phú Nhuận - Huyện Như Thanh - Tỉnh Thanh Hoá

HƯỚNG DẪN VỀ CÁC TIÊU CHÍ “GIA ĐÌNH 5 CÓ, 3 SẠCH”

Đăng lúc: 00:00:00 12/09/2023 (GMT+7)
100%
Print

HƯỚNG DẪN VỀ CÁC TIÊU CHÍ “GIA ĐÌNH 5 CÓ, 3 SẠCH”

             1. Nội dung các tiêu chí 5 có, gồm:

          (1) Có ngôi nhà an toàn - Nhà ở đảm bảo an toàn đạt tiêu chuẩn 3 cứng theo quy định[1] , Có phương tiện, điều kiện cơ sở vật chất gia đình dự phòng chủ động phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, phòng chống thiên tai trong nhà theo đặc thù địa phương;

          - Có môi trường sống an toàn để các cá nhân trong gia đình được sinh ra, nuôi dưỡng và trưởng thành; Các thành viên trong gia đình được yêu thương, chia sẻ, bình đẳng, tôn trọng, gắn kết và đảm bảo an toàn về tính mạng, thân thể, tinh thần, sức khỏe, an toàn trong gia đình và trong không gian mạng; không bạo lực, xâm hại về thể chất, tinh thần, kinh tế;

           - Khuôn viên, cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp theo quy hoạch vườn mẫu nông thôn mới.

          (2) Có sinh kế bền vững - Có việc làm, thu nhập trên mức chuẩn hộ nghèo;

          - Có phương án phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện nguồn lực của gia đình;

          - Có ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh, tạo ra sản phẩm an toàn theo quy định của nhà nước;

          - Tham gia các hoạt động hợp tác, liên kết trong ít nhất 1 khâu: sản xuất, chế biến, tiêu thụ...;

          - Có các hoạt động tích lũy tiết kiệm, đảm bảo kinh tế và có ý chí làm giàu.

          (3) Có sức khỏe - Các thành viên trong gia đình tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần; tham gia ít nhất 01 môn thể thao phù hợp với độ tuổi và sức khỏe;

          - Có thẻ bảo hiểm y tế cho tất cả thành viên trong gia đình; - Có khám sức khỏe định kỳ, tiêm phòng đầy đủ;

          - Có kiến thức kỹ năng thực hành dinh dưỡng, an toàn thực phẩm.

           (4) Có kiến thức - Có kiến thức kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, ứng xử xây dựng gia đình hạnh phúc;

          - Có con trong độ tuổi mầm non, tiểu học, THCS, THPT đi học theo độ tuổi quy định;

          - Có kiến thức kỹ năng về chăm sóc sức khỏe, chăm sóc, bảo vệ trẻ em;

          - Có kỹ năng xử lý tình huống và tự bảo vệ các thành viên trong gia đình;

          - Gia đình có kết nối và sử dụng Internet hoặc các thành viên có sử dụng mạng thiết bị di động tra cứu thông tin và truy cập thông tin thường xuyên; khuyến khích có tủ sách gia đình.

           (5) Có nếp sống văn hóa - Các thành viên trong gia đình có ý thức chấp hành pháp luật, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội. Có lối sống lành mạnh, có ý thức

gìn giữ nề nếp, gia phong, vun đắp những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Thể hiện sự hiếu khách, tôn trọng văn hóa, sắc tộc, tín ngưỡng các nước, nhất là tại các địa bàn du lịch, khu chế xuất và địa bàn có du khách quốc tế nói chung;

           - Mỗi thành viên có trách nhiệm với nhau trong chăm sóc, hiếu thuận với ông bà, cha mẹ và giáo dục trẻ em để đảm bảo sự bền vững của gia đình, đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội; Có trách nhiệm với xã hội trong kết hôn và sinh con để hình thành khuôn mẫu gia đình điển hình, đảm bảo sự phát triển bền vững xã hội nhằm xây dựng gia đình kiểu mẫu "ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hoà thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau”.

           - Không bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em;

          - Thực hiện tốt các quy định trong việc cưới, việc tang không có các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan;

           - Tham gia tích cực các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, nhân đạo từ thiện, giữ gìn văn hóa truyền thống tốt đẹp ở địa phương; tích cực, nòng cốt trong tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới;

          - Gia đình đạt gia đình văn hóa.

          2. Nội dung 3 sạch, gồm:

          (1) “Sạch nhà” - Giữ gìn nhà cửa luôn sạch sẽ, sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp;

          - Có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh[1] ;

          - Sử dụng nước hợp vệ sinh và có nước sạch trong sinh hoạt;

           - Có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường[2].

          (2) “Sạch bếp” - Giữ gìn nơi đun nấu, nồi, xoong, bát, đĩa, dụng cụ, đồ đựng thức ăn luôn sạch sẽ, gọn gàng, hợp vệ sinh;

           - Đảm bảo an toàn thực phẩm: Không sử dụng chất cấm, hoá chất kích thích tăng trưởng trong trồng trọt và chăn nuôi. Sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu trong trồng trọt theo đúng quy chuẩn. Thu dọn chai, lọ, vỏ bao đựng phân bón và thuốc trừ sâu sau khi sử dụng, đem tiêu huỷ tại nơi quy định. Trồng trọt và thu hoạch rau, củ, quả đảm bảo an toàn;

           - Đảm bảo vệ sinh thực phẩm: Có chạn, tủ bếp để cất giữ thức ăn. Sử dụng thực phẩm bảo đảm dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chế biến, sử dụng thức ăn;

           - Thực hiện thu gom, phân loại, xử lý rác tại hộ gia đình; nước thải được thu gom xử lý đảm bảo yêu cầu.

          (3) “Sạch ngõ” - Giữ sân, ngõ của gia đình và khu vực đường làng, ngõ xóm xung quanh nơi ở của gia đình sạch sẽ, không để nước đọng, rác thải bừa bãi làm ảnh hưởng đến mỹ quan và sức khỏe của con người;

           - Có thùng chứa rác thải và thực hiện phân loại, xử lý rác thải theo hướng dẫn;

          - Hàng rào được phủ cây hoặc hoa tạo cảnh quan xanh sạch đẹp. Khuôn viên Nhà có cây xanh, hoa hoặc cây cảnh được cắt tỉa chăm sóc đảm bảo tổng thể khuôn viên sáng-xanh sạch- đẹp./.

Nguồn: Hội phụ nữ

Công khai kết quả giải quyết TTHC

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289