BÀI TUYÊN TRUYỀN "LUẬT VIỄN THÔNG"
Đăng lúc: 00:00:00 14/05/2024 (GMT+7)
Luật viễn thông, được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 6, thông qua ngày 24 tháng 11 năm 2023.
Luật này quy định về hoạt động viễn thông; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông; quản lý nhà nước về viễn thông.
Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động viễn thông tại Việt Nam.
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Viễn thông là việc gửi, truyền, nhận và xử lý ký hiệu, tín hiệu, số liệu, chữ viết, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng thông tin khác bằng đường cáp, sóng vô tuyến điện, phương tiện quang học và phương tiện điện từ khác.
2. Hoạt động viễn thông bao gồm đầu tư, kinh doanh dịch vụ viễn thông cơ bản, dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng, kinh doanh hàng hóa viễn thông; hoạt động viễn thông công ích; cấp, gia hạn, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép viễn thông; kết nối và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông; quản lý tài nguyên viễn thông; quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng và giá dịch vụ viễn thông; xây dựng công trình viễn thông.
3. Thiết bị viễn thông là thiết bị kỹ thuật, bao gồm phần cứng, phần mềm, phần cứng có kèm theo phần mềm được dùng để thực hiện viễn thông.
4. Thiết bị đầu cuối là thiết bị viễn thông cố định hoặc di động được đấu nối vào điểm kết cuối của mạng viễn thông để gửi, truyền, nhận và xử lý thông tin.
5. Thiết bị mạng là thiết bị viễn thông được lắp đặt trên mạng viễn thông để bảo đảm việc cung cấp dịch vụ viễn thông.
6. Hàng hóa viễn thông là vật tư, thiết bị viễn thông có thể trao đổi, mua, bán trên thị trường.
7. Dịch vụ viễn thông bao gồm dịch vụ viễn thông cơ bản và dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng:
a) Dịch vụ viễn thông cơ bản là dịch vụ gửi, truyền, nhận thông tin giữa hai người hoặc một nhóm người sử dụng dịch vụ viễn thông, giữa các thiết bị đầu cuối qua mạng viễn thông;
b) Dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng là dịch vụ cung cấp thêm tính năng xử lý, lưu trữ và truy xuất thông tin cho người sử dụng thông qua việc gửi, truyền, nhận thông tin trên mạng viễn thông.
8. Dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet là dịch vụ viễn thông cung cấp tính năng chính là gửi, truyền, nhận thông tin giữa hai người hoặc một nhóm người sử dụng dịch vụ viễn thông trên Internet.
9. Dịch vụ trung tâm dữ liệu là dịch vụ viễn thông cung cấp tính năng xử lý, lưu trữ và truy xuất thông tin cho người sử dụng qua mạng viễn thông bằng việc cho thuê một phần hoặc toàn bộ trung tâm dữ liệu.
10. Điện toán đám mây là mô hình cho phép sử dụng linh hoạt, có thể điều chỉnh, quản trị theo nhu cầu các tài nguyên điện toán dùng chung gồm mạng, máy chủ, thiết bị lưu trữ, ứng dụng.
11. Dịch vụ điện toán đám mây là dịch vụ viễn thông cung cấp tính năng xử lý, lưu trữ và truy xuất thông tin cho người sử dụng qua mạng viễn thông thông qua điện toán đám mây.
12. Dịch vụ ứng dụng viễn thông là dịch vụ sử dụng mạng viễn thông để cung cấp dịch vụ ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phát thanh, truyền hình, thương mại, tài chính, ngân hàng, văn hóa, thông tin, y tế, giáo dục và lĩnh vực khác.
13. Đường truyền dẫn là tập hợp thiết bị viễn thông dùng để xác lập một phần hoặc toàn bộ đường truyền thông tin giữa hai điểm xác định.
14. Mạng viễn thông là tập hợp thiết bị viễn thông được liên kết với nhau bằng đường truyền dẫn để cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ ứng dụng viễn thông.
15. Mạng viễn thông công cộng là mạng viễn thông do doanh nghiệp viễn thông thiết lập để cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ ứng dụng viễn thông cho công chúng nhằm mục đích sinh lợi.
16. Mạng viễn thông dùng riêng là mạng viễn thông do tổ chức hoạt động tại Việt Nam thiết lập để cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ ứng dụng viễn thông cho các thành viên của mạng không nhằm mục đích sinh lợi trực tiếp từ hoạt động của mạng.
17. Mạng nội bộ là mạng viễn thông do tổ chức, cá nhân thiết lập tại một địa điểm có địa chỉ và phạm vi xác định mà tổ chức, cá nhân đó được quyền sử dụng hợp pháp để phục vụ liên lạc nội bộ không nhằm mục đích sinh lợi trực tiếp từ hoạt động của mạng.
18. Internet là hệ thống thông tin toàn cầu sử dụng giao thức Internet và tài nguyên Internet để cung cấp các dịch vụ và ứng dụng khác nhau cho người sử dụng dịch vụ viễn thông.
19. Điểm kết cuối của mạng viễn thông công cộng là điểm đấu nối vật lý thuộc mạng viễn thông theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để bảo đảm việc đấu nối thiết bị đầu cuối vào mạng viễn thông và phân định ranh giới kinh tế, kỹ thuật giữa doanh nghiệp viễn thông và người sử dụng dịch vụ viễn thông.
20. Kết nối viễn thông là việc liên kết vật lý và lô gíc các mạng viễn thông, qua đó người sử dụng dịch vụ viễn thông của mạng này có thể liên lạc với người sử dụng hoặc truy nhập đến dịch vụ của mạng kia và ngược lại.
21. Công trình viễn thông là công trình xây dựng, bao gồm hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động và thiết bị được lắp đặt vào đó để phục vụ viễn thông.
22. Hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động là công trình hạ tầng kỹ thuật bao gồm nhà, trạm, cột ăng ten, cột treo cáp, cống, bể, ống cáp, hào, tuy nen kỹ thuật và công trình hạ tầng kỹ thuật liên quan khác để lắp đặt thiết bị phục vụ viễn thông.
23. Trung tâm dữ liệu là công trình viễn thông, bao gồm nhà, trạm, hệ thống cáp, hệ thống máy tính và hệ thống điện cùng các thiết bị phụ trợ được lắp đặt vào đó để xử lý, lưu trữ và quản lý dữ liệu của một hoặc nhiều tổ chức, cá nhân.
24. Cơ sở hạ tầng viễn thông là tập hợp mạng viễn thông và công trình viễn thông.
25. Phương tiện thiết yếu là bộ phận quan trọng của cơ sở hạ tầng viễn thông do một hoặc một số doanh nghiệp viễn thông sở hữu hoặc sở hữu phần lớn trên thị trường viễn thông và việc thiết lập mới bộ phận cơ sở hạ tầng này để thay thế là không khả thi về kinh tế, kỹ thuật.
26. Tài nguyên viễn thông là tài nguyên quốc gia, bao gồm kho số viễn thông, tài nguyên Internet, phổ tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh thuộc quyền quản lý của Việt Nam.
27. Kho số viễn thông là tập hợp mã, số thuộc quyền quản lý của Việt Nam được quy hoạch thống nhất để thiết lập mạng viễn thông, cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông, dịch vụ ứng dụng viễn thông.
28. Tài nguyên Internet là tập hợp tên miền, địa chỉ Internet, số hiệu mạng và tên, số khác thuộc quyền quản lý của Việt Nam, bao gồm tài nguyên Internet Việt Nam và tài nguyên Internet quốc tế được các tổ chức quốc tế phân bổ cho tổ chức, cá nhân sử dụng tại Việt Nam.
29. Doanh nghiệp viễn thông là doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam và được phép kinh doanh dịch vụ viễn thông theo quy định của Luật này. Doanh nghiệp viễn thông bao gồm:
a) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng là doanh nghiệp thực hiện việc thiết lập, sở hữu mạng viễn thông công cộng và cung cấp dịch vụ viễn thông;
b) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không có hạ tầng mạng là doanh nghiệp thực hiện việc cung cấp dịch vụ viễn thông nhưng không thiết lập, không sở hữu mạng viễn thông công cộng.
30. Đại lý dịch vụ viễn thông là tổ chức, cá nhân ký hợp đồng với doanh nghiệp viễn thông để cung cấp dịch vụ viễn thông cho người sử dụng dịch vụ viễn thông.
31. Người sử dụng dịch vụ viễn thông là tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông với doanh nghiệp viễn thông hoặc đại lý dịch vụ viễn thông.
32. Thuê bao viễn thông là người sử dụng dịch vụ viễn thông có gắn với việc ấn định tài nguyên viễn thông hoặc đường truyền dẫn cụ thể.
33. Bán lại dịch vụ viễn thông là việc doanh nghiệp viễn thông, đại lý dịch vụ viễn thông cung cấp dịch vụ viễn thông cho người sử dụng dịch vụ viễn thông trên cơ sở thuê đường truyền dẫn hoặc mua lưu lượng, dịch vụ viễn thông thông qua hợp đồng ký với doanh nghiệp viễn thông khác.
34. Bộ xác định thuê bao (sau đây gọi là SIM) là mạch tích hợp được sử dụng để gắn số thuê bao viễn thông và chứa các dữ liệu, thông tin liên quan khác dùng cho việc cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông.
35. Tổ chức nước ngoài là tổ chức được thành lập ở nước ngoài theo pháp luật nước ngoài.
1. Tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh viễn thông để phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông băng rộng phổ cập, trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây theo hướng bền vững, hiện đại; hình thành hạ tầng số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân.
2. Bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông.
3. Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông tại khu vực biên giới, miền núi, vùng cao, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; phân định rõ hoạt động viễn thông công ích và kinh doanh viễn thông.
4. Thúc đẩy việc ứng dụng Internet trong lĩnh vực hành chính, giáo dục, đào tạo, y tế, nghiên cứu khoa học và lĩnh vực khác.
5. Nghiên cứu, phát triển các công nghệ, tiêu chuẩn, ứng dụng về Internet thế hệ mới, công nghệ vệ tinh tầm thấp, công nghệ mạng viễn thông thế hệ tiếp theo.
6. Đầu tư xây dựng, hiện đại hóa mạng viễn thông dùng riêng phục vụ hoạt động quốc phòng, an ninh, hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước.
7. Khuyến khích phát triển nguồn nhân lực viễn thông đáp ứng yêu cầu quản lý, khai thác, kinh doanh hiệu quả cơ sở hạ tầng viễn thông.
8. Tăng cường hợp tác quốc tế về viễn thông trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, các bên cùng có lợi, phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
1. Bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông, an toàn thông tin mạng và an ninh thông tin là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trường hợp phát hiện hành vi cản trở việc xây dựng hợp pháp, hành vi phá hoại, xâm phạm cơ sở hạ tầng viễn thông, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo kịp thời cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan công an nơi gần nhất.
2. Doanh nghiệp viễn thông, tổ chức thiết lập mạng viễn thông, tổ chức, cá nhân sở hữu hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, đại lý dịch vụ viễn thông và người sử dụng dịch vụ viễn thông có trách nhiệm bảo vệ mạng viễn thông, thiết bị đầu cuối.
3. Tổ chức, cá nhân trong hoạt động của mình không được gây nhiễu có hại, làm hư hỏng thiết bị, công trình, mạng viễn thông, gây hại đến hoạt động hợp pháp của cơ sở hạ tầng viễn thông của tổ chức, cá nhân khác.
4. Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông chịu sự quản lý, thanh tra, kiểm tra và thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin theo quy định của pháp luật.
5. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan có liên quan, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm bảo vệ an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông, xử lý hành vi cản trở việc xây dựng hợp pháp, hành vi phá hoại, xâm phạm cơ sở hạ tầng viễn thông.
6. Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm ngừng khẩn cấp việc cung cấp dịch vụ viễn thông trong trường hợp có bạo loạn, sử dụng dịch vụ viễn thông nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xâm phạm an ninh quốc gia theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
7. Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật An ninh mạng, doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm cung cấp điểm truy nhập mạng viễn thông và các điều kiện kỹ thuật, nghiệp vụ cần thiết khác để cơ quan đó thực hiện nhiệm vụ kiểm soát và bảo đảm an ninh thông tin.
1. Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông có trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
2. Tổ chức, cá nhân khi gửi, truyền hoặc lưu giữ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước trên mạng viễn thông có trách nhiệm mã hóa thông tin theo quy định của pháp luật về cơ yếu.
3. Thông tin riêng của mọi tổ chức, cá nhân chuyển qua mạng viễn thông công cộng được bảo đảm bí mật. Việc kiểm soát thông tin trên mạng viễn thông do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của pháp luật.
4. Doanh nghiệp viễn thông không được tiết lộ thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông, bao gồm thông tin thuê bao viễn thông (tên, địa chỉ, số thuê bao viễn thông và thông tin riêng khác mà người sử dụng cung cấp khi giao kết hợp đồng với doanh nghiệp) và thông tin về việc sử dụng dịch vụ viễn thông (số thuê bao viễn thông gửi, số thuê bao viễn thông nhận, vị trí thiết bị đầu cuối gửi, vị trí thiết bị đầu cuối nhận, thời điểm gửi, nhận, thời lượng liên lạc, địa chỉ Internet), trừ các trường hợp sau đây:
a) Người sử dụng dịch vụ viễn thông đồng ý cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân;
b) Các doanh nghiệp viễn thông có thỏa thuận bằng văn bản về việc trao đổi, cung cấp thông tin thuê bao viễn thông, thông tin về việc sử dụng dịch vụ viễn thông của người sử dụng dịch vụ để phục vụ cho việc tính giá, lập hóa đơn;
c) Doanh nghiệp viễn thông cung cấp thông tin thuê bao viễn thông có hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền sử dụng dịch vụ viễn thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông;
d) Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
1. Thông tin khẩn cấp phục vụ quốc phòng, an ninh, cơ yếu.
2. Thông tin khẩn cấp phục vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống thiên tai, hỏa hoạn, thảm họa khác.
3. Thông tin khẩn cấp phục vụ phòng, chống dịch bệnh.
4. Trường hợp khác theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.
1. Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia được tích hợp vào quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông nhằm xác định mục tiêu, nguyên tắc, định hướng phát triển thị trường viễn thông, cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ, dịch vụ viễn thông và các giải pháp thực hiện.
2. Việc xây dựng quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:
a) Phù hợp với chiến lược, quy hoạch cấp quốc gia, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ; tuân thủ pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
b) Phù hợp với xu hướng hội tụ công nghệ và dịch vụ viễn thông; tạo điều kiện cho việc ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến;
c) Bảo đảm quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên viễn thông hiệu quả, tiết kiệm và đúng mục đích;
d) Bảo đảm phát triển viễn thông bền vững, hài hòa; thu hẹp khoảng cách phát triển viễn thông giữa các vùng, miền;
đ) Bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin.
3. Căn cứ vào quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có liên quan, doanh nghiệp viễn thông xây dựng quy hoạch, kế hoạch của doanh nghiệp mình.
1. Lợi dụng hoạt động viễn thông nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
2. Thu trộm, nghe trộm, xem trộm thông tin trên mạng viễn thông; trộm cắp, sử dụng trái phép tài nguyên viễn thông, mật khẩu, khóa mật mã và thông tin riêng của tổ chức, cá nhân khác.
3. Cản trở trái pháp luật việc thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông, gây rối, phá hoại việc thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông, việc cung cấp và sử dụng hợp pháp các dịch vụ viễn thông.
4. Thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông, cung cấp dịch vụ viễn thông khi chưa được phép thực hiện theo quy định của Luật này.
5. Sử dụng thiết bị, phần mềm gửi, truyền, nhận thông tin qua mạng viễn thông để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật./.
Tin khác
- Cảnh báo các tghur đoạn lừa đảo phổ biến trên ko gian mạng
- Lợi Ích Của Ví Điện Tử Trong Cuộc Sống Hàng Ngày
- Lùi thời gian tắt sóng điện thoại 2G để hỗ trợ người dân do ảnh hưởng bão số 3
- triển khai mô hình đề án dữ liệu về dân cư
- Dừng công nghệ di động 2G, để phổ cập điện thoại thông minh
- Chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu hướng toàn cầu
- Phát triển nông nghiệp thông minh là tất yếu
- Những điều cần biết về tắt sóng mạng 2G
- Bộ TT&TT công bố lộ trình dừng vận hành hệ thống di động 2G
- Xã Phú Nhuận tổ chức hội nghị sơ kết công tác chuyển đổi số 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.
Công khai kết quả giải quyết TTHC
ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH
Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289
02373.742.289